Giáo sư Lê Văn Thiêm hình như chưa bao giờ tự nói về mình. Những người khác cũng chỉ viết về Ông từ sau khi Ông mất, ngày 3 tháng 7 năm 1991. Nhưng cả lúc Ông còn sống cũng như khi Ông đã ra đi, người ta thường nhắc tên Ông trong những câu chuyện hàng ngày, kể cho nhau nghe những giai thoại về Ông.
Những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống bao giờ cũng rất giản dị. Thầy Thiêm giản dị như những câu chuyện giản dị nhất của đời thường. Bởi thế, viết về Ông thật là khó. Lúc này đây, tôi như thấy Ông với ánh mắt thật hiền lành nhưng có pha chút diễu cợt khi thấy tôi định liệt kê những công việc Ông đã làm, những chức vụ Ông từng đảm nhiệm, như lệ thường khi viết về một vĩ nhân. Không dám trái ý Thầy, tôi xin được bắt đầu từ một kỷ niệm.
Đó là năm 1966, khi cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đang ở thời kì ác liệt nhất. Các trục giao thông chính, đường bộ, đường sắt bị phá hoại nghiêm trọng. Kênh Nhà Lê (con kênh được đào từ thời Lê, chạy gần song song với quốc lộ 1) được sử dụng để chuyên chở hàng hoá, vũ khí. Lòng kênh đã cạn, nhưng không thể dùng một lực lượng quá lớn để nạo vét dưới bom đạn suốt ngày đêm. Giáo sư Lê Văn Thiêm đã đề xuất dùng phương pháp nổ định hướng, tức là dùng mìn nổ dưới lòng kênh, nhưng bố trí sao cho hầu hết đất đá sau khi nổ rơi lên bờ kênh, chứ không phải rơi lại xuống lòng kênh. Ông đã dạy cho chúng tôi lý thuyết nổ định hướng, mà tư tưởng chủ đạo có thể tóm tắt như sau: Khi có một vụ nổ lớn, những vật chất gần tâm nổ chuyển động theo quy luật của chất lỏng lý tưởng (không nhớt, không nén được). Có thể mô tả chuyển động này nhờ lý thuyết hàm biến phức, là chuyên ngành toán học mà giáo sư nghiên cứu từ nhiều năm. Về mặt lý thuyết, chúng ta có thể điều khiển hoàn toàn vụ nổ, tức là sắp xếp sao cho vật chất quanh tâm nổ chuyển động theo một quỹ đạo định sẵn. Chúng tôi, một nhóm gồm 4 sinh viên toán năm thứ ba của Trường Đại học tổng hợp Hà Nội hăm hở lên đường vào Nghệ An để cùng một đơn vị thanh niên xung phong thực hiện công việc đó. Ai cũng biết là chuyến đi đầy nguy hiểm, nên nhóm chúng tôi được bạn bè và bà con nơi trường sơ tán tiễn đưa khá “long trọng”. Nhưng kỷ niệm mà chúng tôi không bao giờ quên là, trước lúc chuyến xe phía Nam gần chuyển bánh, Thầy Thiêm hớt hải đạp xe tới, gọi tôi xuống dặn dò đôi lời và đưa cho tôi 72 đồng. Hồi đó, 72 đồng lớn lắm, bằng hai phần ba số tiền lương giáo sư mà Thầy vừa nhận xong. Chúng tôi hết sức cảm động, vì biết Thầy chỉ giữ cho mình số tiền tạm đủ sống đến kỳ lương sau. Chuyến đi đó đã để lại nhiều bài học lớn cho đời làm toán của chúng tôi, mà trước hết là bài học về việc đưa những kiến thức ở nhà trường vào phục vụ sản xuất và chiến đấu. Bài học đó, Thầy Thiêm dạy cho chúng tôi bằng chính cuộc đời làm toán của Thầy. Từ một chuyên gia hàng đầu trong một lĩnh vực toán học lý thuyết đang được xem là mốt nhất thời đó, Giáo sư Lê Văn Thiêm đã chuyển hẳn sang nghiên cứu những vấn đề toán học đặt ra từ thực tiễn Việt Nam, mà một trong những vấn đề đó chính là nổ định hướng để nạo vét lòng kênh mà tôi vừa nhắc đến trên đây. Khi học năm thứ tư ở trường, chúng tôi lại được cùng một đơn vị thanh niên xung phong áp dụng phương pháp này để làm đường chiến lược trong rừng sâu. Giáo sư Lê Văn Thiêm đã biên soạn thành giáo trình hoàn chỉnh để hướng dẫn cho những người không có chuyên môn toán học sử dụng phương pháp đó.
Giáo sư Lê Văn Thiêm là người như thế. Ông làm toán không phải vì danh vọng, tiền tài, mà chỉ đơn giản, đó là cách mà Ông có thể đóng góp phần mình cho đất nước. Giáo sư không bao giờ nhắc đến những đóng góp của mình trong nghiên cứu lý thuyết. Tôi là một trong những học trò trực tiếp của Ông từ khi còn là sinh viên năm thứ ba cho đến mãi sau này, nhưng chưa bao giờ tôi được nghe Ông kể về những công trình của chính Ông. Tôi chỉ biết về những công trình đó khi tôi đi sâu nghiên cứu hướng chuyên môn mà Ông là một trong những người có công khai phá. Đó là lý thuyết phân phối giá trị các hàm phân hình (hay còn gọi là lý thuyết Nevanlinna, theo tên của người khai sinh ra nó, nhà toán học Phần Lan đã một thời là chủ tịch Hội toán học quốc tế). Trong nhiều hội nghị gần đây về lịch sử toán học, lý thuyết Nevanlinna được đánh giá là một trong những lý thuyết đẹp nhất của toán học thế kỷ 20. Giáo sư Lê Văn Thiêm chính là một học trò của Nevanlinna, và Ông là một trong nhữngngười đầu tiên cho lời giải của “bài toán ngược của lý thuyết Nevanlinna”. Công trình của Ông không chỉ được quan tâm vì đã chứng minh sự tồn tại nghiệm của bài toán đó, mà còn vì Ông đã đưa ra một phương pháp hoàn toàn mới để nghiên cứu vấn đề đặt ra. Trong những công trình khoa học và sách chuyên khảo gần đây trên thế giới, người ta vẫn còn nhắc công trình của Ông viết cách đây hơn nửa thế kỷ, và nhắc đến Ông như là một trong những người có công đầu trong việc xây dựng lý thuyết. Tôi bỗng nhớ hai câu thơ của cụ Nguyễn Du:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Để đời sau còn nhắc đến mình, khó lắm! Vậy mà Giáo sư Lê Văn Thiêm hầu như không quan tâm gì đến điều đó. Sau khi viết vẻn vẹn có 5, 6 công trình (mà về sau trở thành nổi tiếng như đã nói trên), năm 1949, Ông từ bỏ chức giáo sư ở trường Đại học Zurich (Thuỵ Sỹ) để trở về với Tổ quốc Việt Nam đang kháng chiến. Với Ông, điều đó cũng thật là tự nhiên, như người ta phải thở hít khí trời.
Rời phương Tây, Ông đi máy bay về Băng Cốc, rồi từ đó đi bộ về miền bưng biền Đồng Tháp. Từ Nam Bộ, Ông phải mất sáu tháng lặn lội trên những con đường rừng mới ra được đến chiến khu Việt Bắc. Những điều này tôi chỉ tình cờ được biết khi hỏi vì sao Ông có thói quen hút sáu điếu thuốc lào một lúc, và Ông giải thích rằng, vì đi bộ lâu trong rừng buồn quá, chẳng có thú gì hơn!
Ở Việt Bắc, Giáo sư Lê Văn Thiêm đã cùng những nhà trí thức hàng đầu như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa bắt tay vào nhiệm vụ xây dựng nền khoa học và giáo dục đại học của nước Việt Nam mới. Trong tay họ, hầu như chẳng có cuốn giáo trình bậc đại học nào, ngoài vài cuốn sách mà họ đã cố gắng mang theo mình khi rời nước Pháp. Vậy mà họ, thế hệ trí thức đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã làm nên một kỳ tích khiến thế giới phải kinh ngạc: ngay sau khi hoà bình lập lại, các trường đại học Việt Nam đều do cán bộ người Việt Nam giảng dạy, và họ dạy tất cả các giáo trình bằng tiếng Việt! Trong công lao chung ấy, Giáo sư Lê Văn Thiêm, người Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Khoa học cơ bản và Trường Cao đẳng sư phạm ở chiến khu Việt Bắc đã góp phần không nhỏ.
Tên tuổi giáo sư Lê Văn Thiêm có thể gắn với rất nhiều chữ “đầu tiên”. Ông, cùng với giáo sư Phạm Tỉnh Quát (thân sinh giáo sư Frédéric Phạm) là những người đầu tiên mà vào năm 1941 thi đỗ vào trường École Normale Supérieure (phố d’Ulm, Paris), trường hàng đầu của Pháp trong việc đào tạo các nhà khoa học. Họ cũng là những người Việt Nam đầu tiên nhận được học vị Tiến sỹ quốc gia của Pháp năm 1948. Ông là tác giả của công trình toán học đầu tiên của người Việt Nam công bố trên tạp chí quốc tế, là người Việt Nam đầu tiên trở thành giáo sư toán học tại một trường đại học Châu Âu (Zurich, 1949). Giáo sư Lê Văn Thiêm là Chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học Việt Nam, Tổng biên tập đầu tiên của hai tờ báo toán học của Việt Nam (Vietnam Journal of Mathematics và Acta Mathematica Vietnamica).
Có thể còn nhiều cái “đàu tiên” nữa, mà vì Ông không bao giờ nhắc tới nên ta cũng quên đi. Chỉ có một điều không ai quên được, đó là những gì Ông để lại cho nền khoa học Việt Nam. Chúng tôi, những học trò của Ông, luôn tự biết là mình đã có hạnh phúc lớn được học tập và làm việc với Ông. Không phải trong thời kỳ lịch sử nào cũng xuất hiện lớp người như Ông. Họ thường có mặt ở buổi đầu của cách mạng, khi mà niềm say mê lý tưởng đã vượt lên những toan tính cá nhân. Có lẽ vì thế mà cho đến tận cuối đời mình, Ông vẫn giữ được nụ cười hồn nhiên như trẻ thơ. Những ai đã từng được làm quen với Ông đều không thể quên con người nhân hậu, trung thực tới mức ngây thơ, tin tất cả mọi người như tin chính bản thân mình. Điếu đó đã gây cho Ông không ít khó khăn khi Ông còn sống (và đảm nhận những chức vụ lãnh đạo), nhưng đã làm cho hình ảnh Ông để lại trong lòng học trò, đồng nghiệp mãi mãi là hình ảnh về một nhân cách lớn, không chút bụi mờ.
Mới Nhất
- Kỳ thi Pilympiad - Ngày 03/10/2024
- Chương trình: Đồng hành cùng Pi tới biên cương và hải đảo - Ngày 06/09/2024
- Chương trình: Đồng hành cùng Pi tới biên cương và hải đảo - Ngày 22/08/2024
- Giải đáp lỗi sai trong một số chứng minh hình học - Ngày 16/04/2024