Tôi thường tự hỏi: nếu không có sự giúp đỡ của Giáo sư Lê Văn Thiêm, cuộc đời tôi trôi dạt đến bến bờ nào?
Năm học 1965 1966, khi Giáo sư Lê Văn Thiêm còn đảm nhận chức vụ Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi dự thi vào lớp đặc biệt (chuyên toán) khóa 2. Vì sau khi làm hết các bài trong đề tôi mở rộng thêm một vài kết quả nên được giám khảo thưởng thêm nửa điểm. Tiếc thay do tầm nhìn hạn hẹp thời đó, một số cán bộ xã có con cùng học với tôi nhầm tưởng rằng nếu tôi được đi học sẽ trở thành ông nọ bà kia hơn con cái họ nên đã hết sức ngăn cản. Họ phê vào lý lịch tôi những điều không có thật và không cắt hộ khẩu cho tôi. Hình như Nhà trường không tin lắm về lời phê của họ (vì cha mẹ tôi đang là cán bộ viên chức nhà nước làm sao lại tiếp tay cho giặc được, nếu sự thật như thế thì sẽ bị tống vào nhà tù hay ít nhất cũng bị đuổi về rồi!). Vì vậy Nhà trường vẫn cử người về bàn với chính quyền địa phương cho tôi đi học nhưng họ cương quyết khước từ.
Sau tốt nghiệp phổ thông tôi về quê cày ruộng. Theo lời kể của ông Nguyễn Tiến Chương - Chủ tịch Tỉnh Hà Tĩnh lúc đó - Giáo sư Lê Văn Thiêm có gửi thư cho ông yêu cầu Lãnh đạo Tỉnh can thiệp với chính quyền địa phương trường hợp tôi. Ông đã trao đổi với Thường vụ Tỉnh ủy và mọi người đều nhất trí. Nhưng do bận nhiều việc quan trọng hơn nên có thể họ quên đi.
Mùa đông 1974, tôi ra dự kỉ niệm 10 năm Báo Toán học & Tuổi trẻ ra số đầu tiên. Đang nép mình ở dãy bàn cuối thì một già tiên có gương mặt phúc hậu tóc trắng như tuyết từ bàn đại biếu xuống ngồi bên cạnh và nói nhỏ nhẹ: mình là Thiêm, Lê Văn Thiêm, đồng hương của Hán đây. Tôi thật bất ngờ vì một Giáo sư đáng kính nhất Việt Nam lại giản dị và gần gũi đến thế. Vừa lúc sang phần phát biểu của cộng tác viên. Tôi vừa ít tuổi vừa ở xa nên Tòa soạn ưu tiên phát biểu trước. Vì chưa có sự chuẩn bị nên tôi rất lúng túng. Giáo sư liền động viên: Hán nghĩ thế nào thì nói đúng lòng mình là được. Lời động viên của Giáo sư đã thổi bùng ngọn lửa yêu toán trong lòng tôi. Tôi tuôn một mạch, rằng nếu không có Báo Toán học & Tuổi trẻ, rằng nếu không có những bài viết của những người thầy mà tôi không may mắn được học trực tiếp, hẳn tuổi thanh xuân của tôi sẽ trôi qua vô vị và tẻ nhạt thế nào… Không biết lý do gì mà mọi người đổ dồn vào chăm chú lắng nghe, và sau khi dòng tâm sự ngừng chảy, cả hội trường im lặng một phút rồi một tràng vỗ tay nhất loạt vang lên. Giáo sư Lê Văn Thiêm nói vui: Hán giỏi văn hơn cả toán!
Tôi xin phép đến nhà Giáo sư chơi. Nhà Giáo sư ở Phố Hàng Chuối, số mấy tôi không nhớ rõ (tôi thường nghĩ 16 vì con số này rất đẹp nhưng chắc không chính xác). Giáo sư ra tận cửa đón rồi kể cho tôi nghe những kỉ niệm về quê hương Đức Thọ Hà Tĩnh, về những người đồng hương mà sau này Giáo sư có dịp gặp lại. Tôi im lặng nuốt lấy từng lời. Khi chia tay, Giáo sư hỏi có nguyện vọng gì không. Tôi thỏ thẻ rằng chỉ mong sau khi trời quang mây tạnh ước được vào Đại học để biết trên cao người ta học toán thế nào. Giáo sư căn dặn: Hãy kiên nhẫn, hãy kiên nhẫn. Rồi Giáo sư tặng tôi ba cuốn sách quí: một bản dịch tiếng Việt cuốn Đại số hiện đại của Sten Hu, hai cuốn sách Đại số giao hoán và Giáo trình Số học bằng tiếng Nga. Hơn bốn mươi năm qua, tôi không bao giờ quên được hình ảnh khi mình đã xuống sân, ngước nhìn lên, thấy Giáo sư vẫn đứng ở ban công, mắt sáng như sao, tóc mây lộng gió, bàn tay vẫy vẫy như nhắc tôi gắng bay tới bầu trời mơ ước dù bao bão tố phong ba.
Một năm sau ngày Bắc Nam sum họp một nhà, 1976, Giáo sư viết thư cho ông Nguyễn Tiến Chương (lúc đó là Phó bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh) nhắc lại lời hứa xưa. Rồi cũng đến lúc lời hứa ấy được thực hiện. Vì thời điểm đó Bộ Giáo dục và Bộ Đại học - Trung học tách riêng, tôi lại đang là giáo viên cấp 2 (PTCS) nên không thể vào học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, mà chỉ được học một trường Đại học Sư phạm nào đó thôi. Và Trường ĐHSP Vinh đã cưu mang nhận tôi vào mà không phải qua kì thi chung. Năm 1985, tại Hội nghị toán học toàn quốc (tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), gặp lại Giáo sư, Người hơi băn khoăn về tương lai của tôi sau này (vì thời đó chưa có giao lưu và Internet như bây giờ nên thông tin ở vùng tôi dạy xem như bằng không). Tôi đã cố gắng hết sức mình, dù không trở thành nhà toán học như hằng mơ ước, nhưng luôn là một giáo viên toán hết lòng vì thế hệ trẻ, mong xứng đáng một phần sự giúp đỡ ưu ái của Người.
Giáo sư Lê Văn Thiêm không chỉ góp phần khai sáng nền toán học Việt Nam hiện đại. Những tinh hoa văn hóa của dòng họ Lê (đất Trung Lễ) nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung và cả tinh hoa của Chủ nghĩa nhân văn mà Giáo sư tiếp thụ ở Pari thủ đô Ánh sáng của nhân loại - đã và nuôi dưỡng Người thành một nhân cách lớn, một nhà văn hóa lớn của dân tộc.
Thành Vinh, 10.11.2016
TÌNH THẦY TỎA BÓNG MÊNH MANG
Kính tặng GS Lê Văn Thiêm
Từ quê hương em mang đến tặng Thầy
những tiếng nói thiệt thà dân Hà Tĩnh
tiếng rì rào của ngàn cây Hồng Lĩnh
tiếng thì thầm của sóng nước La Giang
Ôi tình thương xua tan hết ngỡ ngàng
cho xích lại trong một bầu tâm sự
Thầy bâng khuâng kể về thời quá khứ
em bồi hồi mơ ước chuyện tương lai
Vạch cho em đường dẫn tới ngày mai
lát bằng gạch suốt một đời cần mẫn
lời khuyên đó em xin làm lẽ sống
mà bắt đầu từ khởi điểm: Hôm nay
Sách Thầy cho em nghiền ngẫm đêm ngày
bỗng lóe sáng một chân trời Hiện đại
Đường xa thẳm em thấy lòng vững lái
khi tình Thầy tỏa bóng xuống mênh mang
Hà Nội, 25.12.1974
Lê Quốc Hán
Mới Nhất
- Kỳ thi Pilympiad - Ngày 03/10/2024
- Chương trình: Đồng hành cùng Pi tới biên cương và hải đảo - Ngày 06/09/2024
- Chương trình: Đồng hành cùng Pi tới biên cương và hải đảo - Ngày 22/08/2024
- Giải đáp lỗi sai trong một số chứng minh hình học - Ngày 16/04/2024